Với mong muốn lựa chọn giống cây trồng mới và đưa ra giải pháp công nghệ canh tác phù hợp để tạo sản phẩm nông nghiệp an toàn, có giá trị kinh tế cao tại địa phương, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh (Sở Khoa học và Công nghệ) đã xây dựng Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa lưới công nghệ cao. Tuy mới triển khai thực hiện nhưng Dự án đã cho thấy hướng đi và những kết quả bước đầu đều hết sức tích cực...

 

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh chăm sóc cây dưa lê.

Một ngày đầu tháng 12, chúng tôi được cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh dẫn tới tham quan khu vực nhà màng trên cánh đồng thuộc khu vực đội 16, xã Thanh Luông (huyện Điện Biên). Được hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 7/2022, khu vực nhà màng có diện tích khoảng 1.000m2, hiện đang trồng hơn 2.000 gốc dưa lê, dưa lưới theo công nghệ cao. Tiếp chúng tôi, cán bộ kỹ thuật phụ trách nhà màng Ngô Văn Lự nhiệt tình dẫn đi tham quan từng luống dưa thẳng tắp, xanh mơn mởn. Vừa đi, anh Lự vừa chỉ những cây dưa được treo lên dây của hệ thống cáp treo cây trồng trong nhà lưới, đang vươn mình lên đón ánh nắng chiều... Nhìn tổng thể cả khu vực nhà màng, chúng tôi nhận thấy sự chuyên nghiệp, hiện đại trong việc canh tác, khác rất nhiều so với việc sản xuất rau, quả truyền thống. Anh Lự chia sẻ: “Đợt dưa này mới trồng được hơn 1 tháng, đang vào giai đoạn sinh trưởng và phát triển, chuẩn bị bước vào giai đoạn phân hóa mầm (thụ phấn). Khi thụ phấn, mỗi cây sẽ cho đậu từ 2 - 3 quả nhưng chỉ giữ lại 1 quả để nuôi thành sản phẩm. Như vậy, cả nhà màng này 2.000 gốc sẽ cho thu hoạch khoảng 2.000 quả. Lứa dưa dự kiến ra tết sẽ cho thu hoạch.”

Trao đổi với cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh, anh Nguyễn Thanh Tùng, chúng tôi được biết dưa lưới là sản phẩm được tiêu thụ khá phổ biến trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ với giá bán cao, dao động từ 50 - 100 nghìn đồng/kg, có mặt ở hầu hết các chợ đầu mối, cửa hàng rau quả và siêu thị trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ. Dẫu vậy, trên địa bàn tỉnh mới có một số hộ dân đã từng canh tác dưa lưới nhưng diện tích nhỏ lẻ chỉ mang tính thử nghiệm hoặc trồng trong vườn, khuôn viên của gia đình. Biết đây là cây trồng mới, có giá trị kinh tế cao, tuy nhiên kỹ thuật canh tác phức tạp, vốn đầu tư lớn nên các hộ này chưa định hướng phát triển mở rộng sản xuất. Thế nên hiện nay, phần lớn sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn chủ yếu được nhập từ các tỉnh miền xuôi như Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội và các tỉnh phía Nam. Còn riêng tại huyện Điện Biên, hiện cũng có các mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nhưng chưa có cá nhân, hợp tác xã thực hiện trồng dưa lê, dưa lưới ứng dụng công nghệ cao.

“Sản xuất dưa lê, dưa lưới trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là trồng theo hướng công nghệ cao là vấn đề mới. Dưa lê, dưa lưới là một trong những giống cây trồng mới được nhập ngoại có chất lượng, giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa thích, có khả năng thích nghi tốt, thời gian trồng và thu hoạch ngắn (75 - 90 ngày). Nếu sản phẩm dưa lê, dưa lưới được trồng tại Điện Biên người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trồng dưa lê và dưa lưới không khó, nhưng để đạt tiêu chuẩn chất lượng và mẫu mã, đòi hỏi yêu cầu kĩ thuật sản xuất rất khắt khe...” - Anh Nguyễn Thanh Tùng nói.

Như anh Tùng chia sẻ, cây dưa được trồng trong điều kiện nhà mái che, hạn chế được các ảnh hưởng của điều kiện ngoại cảnh như mưa, gió, sương muối; hạn chế sự xâm nhập của một số loài sâu, bệnh hại cây trồng. Các giống dưa đưa vào thực hiện (dưa Kim Vương, Kim Nương, Kim Hoàng Hậu, dưa lưới TL3, dưa lưới Taki) là các giống F1 có năng suất ổn định, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện canh tác trong nhà màng, giá thành sản phẩm cao đáp ứng nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mô hình còn ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt đưa nước tới từng bầu cây, gốc cây; có thể kết hợp giữa việc tưới nước và bón phân cho cây. Ngoài ra, cây được trồng trên giá thể - hỗn hợp các thành phần: Xơ dừa, trầu hun, than bùn, đất sạch... giúp cho năng suất cây trồng đạt rất cao, hạn chế được dịch bệnh.

Thực tế cho thấy, sau vụ thu hoạch đầu tiên, các sản phẩm dưa lê, dưa lưới sản xuất theo công nghệ này xuất ra thị trường nhanh chóng nhận được sự ủng hộ của khách hàng, ngay cả với những người khó tính. Anh Ngô Văn Lự cho biết: “Vụ đầu tiên thu được khoảng 2.000 quả, trọng lượng trung bình từ 1,2 - 1,5kg. Có buổi sáng xuất bán gần 1.000 quả mà vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thị trường. Phản hồi từ người tiêu dùng cho thấy sản phẩm có độ giòn, tỷ lệ thịt quả và độ brix (độ ngọt trong trái cây, rau, củ...) cao, được nhiều người ưa thích và mong chờ vụ tiếp theo...”.

“Không những thế, trong quá trình canh tác, nhiều người dân xung quanh khu vực, người dân của TP. Điện Biên Phủ cũng tới tham quan, tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc dưa lê, dưa lưới; xin giống cây trồng về để thử nghiệm. Nhiều đơn vị trường tổ chức cho học sinh tới tham quan mô hình. Cán bộ của Trung tâm cũng nhiệt tình tiếp đón và hướng dẫn kỹ thuật cho mọi người...” - Anh Nguyễn Thanh Tùng tiếp lời.

Có thể thấy, Dự án Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình trồng dưa lê, dưa lưới công nghệ cao mới triển khai không lâu nhưng kết quả bước đầu hết sức tích cực. Dự án đã và đang tạo ra hướng đi mới trong sản xuất rau quả an toàn với hiệu quả kinh tế cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trong tương lai, dự án còn góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện kinh tế cho người nông dân trên

Báo Điện Biên Phủ


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



Tin liên quan

     Bình luận


    Mã xác thực không đúng.
      Thống kê truy cập
      Thống kê: 532.758
      Online: 39